Con người thở dài 12 lần mỗi giờ hay cứ 5 phút một. Gần đây, nghiên cứu của Đại học California và Đại học Stanford (Mỹ) đã xác định tác dụng của thở dài là ngăn phế nang không bị xẹp.
"Phổi người có diện tích ngang một sân tennis, được xếp lại trong lồng ngực", giáo sư thần kinh học Jack Feldman, đồng tác giả công trình trao đổi với Live Science. "Có đến 500 triệu túi khí nhỏ gọi là phế nang. Mỗi phế nang là một quả cầu nhỏ đường kính khoảng 0,2 mm". Phế nang giúp đảm bảo oxy dễ dàng vào máu qua màng phổi.
Con người không thể tồn tại mà không thở dài.
"Bạn đã bao giờ cố thổi phồng một quá bóng ướt chưa? Điều này rất khó", Feldman tiếp tục. "Phế nang bị xẹp cũng giống thế và khi ấy bề mặt mất đi khả năng trao đổi khí". Nói ngắn gọn, nếu con người không thở dài, phế nang sẽ không được thổi phồng và phổi ngừng hoạt động. Cách duy nhất để mở phế nang là hít thở thật sâu. Nếu quan sát một bệnh nhân được lắp ổng thở, bạn sẽ thấy cách vài phút họ lại thở ra một hơi lớn. Thở dài được ví như hơi thở nhân đôi.
Ngoài ra, Feldman giải thích những tiếng thở dài do cảm xúc liên quan đến phân tử peptide có nguồn gốc bombesin mà não tiết ra khi cơ thể bị stress.
Nghiên cứu trước đây của ông cho thấy tiêm bombesin vào não chuột tăng số lần thở dài từ 25 lên 400 lần một tiếng. Ngược lại, tiêu diệt thụ thể bombesin khiến loài vật mất hoàn toàn hành vi thở dài. Trong tương lai, nhiều khả năng phát hiện này sẽ được ứng dụng nhằm chế tạo thuốc chữa một số chứng bệnh khiến con người thở dài quá nhiều dẫn đến suy nhược hoặc thở dài quá ít dẫn đến khó thở, tổn hại chức năng phổi như rối loạn lo âu, vấn đề hô hấp.
No comments:
Post a Comment