Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lại trong tình trạng báo động như hiện nay. Hầu hết mọi người chỉ đang lo về nguy cơ ung thư khi ăn phải những thực phẩm bẩn này mà không biết rằng có một mối nguy hiểm khác đang ẩn hiện ngay trước mắt nếu ăn phải nhóm thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh đó. Đó chính là nguy cơ nhiễm bệnh giun sán. Căn bệnh này đặc biệt nguy hiểm đối với những đối tượng mắc là trẻ em.
Bệnh nhi mắc sán dải heo nghiêm trọng
Vừa qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho hay tại đây vừa can thiệp cho một trường hợp bị sán dải heo tấn công vào não hiếm gặp. Bệnh nhi là cậu bé A Lý Hùng (16 tuổi, ngụ tại Kon Tum). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, choáng váng và có những cơn đau dữ dội.
Bệnh nhân sau khi được mổ.
Tại đây, bác sĩ tiến hành chụp MRI truy tìm nguyên nhân gây đau đầu ở bệnh nhân. Kết quả cho thấy, trong não của bệnh nhân có một khối choán chỗ, ban đầu bác sĩ nhận định đây có thể là khối u hoặc áp xe. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm đã chỉ ra, bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng sán.
BS Phan Minh Trí, khoa Ngoại Tổng hợp, người trực tiếp thực hiện cuộc mổ đã lấy ra một khối nang có đường kính 5cm. Đây không phải là khối nang đơn độc mà là sự kết hợp của nhiều nang nhỏ bên trong, mỗi nang đều chứa dịch và lúc nhúc ấu trùng sán dải heo. Nếu không được phẫu thuật sớm, khối nang phát triển có thể chèn ép mô não, gây sang thương mô não xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng nặng hơn dẫn đến suy kiệt, nguy cơ tử vong rất cao.
Sán dải heo xâm nhập vào cơ thể bằng đường ăn uống. Do bệnh nhân ăn phải nguồn thịt heo hoặc uống nước chứa ấu trùng không được nấu chín. Ấu trùng sán sau khi đi vào đường tiêu hóa sẽ vỡ ra, tấn công đến các cơ quan khác như não, da, mắt… Quá trình ấu trùng khu trú lâu tạo thành nang lớn.
Mức nguy hiểm của trẻ khi bị bệnh sán
Khi trẻ mắc bệnh sán vô cùng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bởi khi trẻ mắc các giun tóc, giun móc bám vào niêm mạc ruột gây viêm loét ruột, thậm chí gây chảy máu rỉ rả, nhiều trẻ bị thiếu máu có khi phải truyền máu. Nếu bị nhiễm giun đũa có thể gây tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy gây ra các triệu chứng đau bụng dai dẳng hoặc kịch phát, ói mửa, vàng da, viêm gan…
Khi bị nhiễm giun sán, trẻ thường có dấu hiệu ăn uống kém, hoặc có trường hợp vẫn ăn tốt nhưng không tăng cân; đau bụng vùng quanh rốn hoặc thành cơn ở hố chậu phải; Trẻ có thể nôn trớ, có thể có biểu hiện lợm giọng buồn nôn… Một số trẻ có biểu hiện đi tướt. Khi có quá nhiều giun sán trong đường ruột, trẻ có thể gặp hiện tượng nôn hoặc đi ngoài ra giun. Ngoài ra, trẻ nhiễm giun sán thường gầy gò, ốm yếu, xanh xao, bụng to bè, chậm lớn…
Trẻ bị nhiễm sán thường do ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín. Ấu trùng sán sau khi đi vào đường tiêu hóa sẽ vỡ ra, tấn công đến các cơ quan khác như não, da, mắt… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Để phòng bệnh sán cho trẻ cha mẹ nên đảm bảo 3 nguyên tắc: Ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không cho trẻ ngậm mút ngón tay cũng như các đồ vật, nên tẩy giun sán định kỳ theo khuyến cáo Bộ Y tế.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm giun sán ở trẻ, thậm chí cả ở người lớn, chủ yếu do ăn uống kém vệ sinh; ăn phải thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh; không giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tiếp xúc nhiều với môi trường có giun sán của đất bẩn, ao ngòi, sông rạch...
Trong các nguyên nhân nói trên, chuyện ăn uống không đảm bảo vệ sinh, lựa chọn món ăn chứa nhiều giun sán là vấn đề đáng báo động nhất trong cuộc sống hiện nay.
Những loại thực phẩm dễ dẫn đến nhiễm giun sán
Rau sống
Rau sống là thực phẩm dễ nhiễm giun sán
Rau sống được dùng rất nhiều trong các món ăn của người việt, tuy nhiên rau sống chứa nhiều các ấu trùng giun sán. Đặc biệt ở các loại rau thủy sinh có thân ống như rau cần, rau muống, cải xoong, kể cả những rau trồng cạn như xà lách, rau thơm... đều nhiễm ký sinh trùng như trứng giun đũa, giun móc, sán lá gan.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm khoa Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết nhiều người cho rằng chỉ các loại rau trồng dưới nước mới nhiễm ký sinh trùng. Tuy nhiên, thực tế rau trồng trên cạn cũng bị nhiễm. Đó là do tập quán tưới rau bằng nước thải sinh hoạt gồm nước bẩn từ chất bài tiết của con người, nước vệ sinh từ nhà bếp, nước từ mương ao, cống rãnh nhiễm bẩn… Chính vì thế nếu mọi người có thói quen ăn rau sống sẽ có nguy cơ nguy hiểm sức khỏe cao
Gỏi cá sống
Gỏi cá sống là món ăn ưa thích của nhiều người, thậm chí là đặc sản của nhiều vùng sông nước. Tuy nhiên, do cá sống dưới những vùng nước không đảm bảo vệ sinh nên chúng hoàn toàn có thể nhiễm giun, sán trong thịt. Món gỏi cá sống lại không được chế biến kĩ nên các loài giun sán này vẫn tồn tại và xâm nhập vào cơ thể người khi chúng ta ăn.
Nhiều người cho rằng, khi ăn gỏi cá sống cứ vắt nhiều chanh là ớt là sẽ tiêu diệt được các kí sinh trùng trong thịt cá sống. Nhưng thực tế, rất nhiều kí sinh trùng không hề bị loại bỏ chỉ nhờ nước cốt chanh, vì vậy, không ít trường hợp sau khi ăn gỏi cá sống đã bị nhiễm giun sán, dẫn đến ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy, sụt cân. Giun sán khi vào cơ thể có thể di chuyển dưới da, đến mắt, não, gan... và gây nhiều ảnh hưởng nguy hiểm như mù lòa, ho hen, viêm sưng, rối loạn cảm giác, liệt tứ chi, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Thịt tái
Ăn thịt tái sống tăng nguy cơ nhiễm sán rất lớn
Thịt tái được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, đó lại là nguồn gốc của sán dây bò, một loại sán cực kỳ nguy hiểm. Sán lá gan lớn chủ yếu ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò... Ấu trùng sán lá gan có thể di chuyển đến khớp, não khiến bệnh rất khó chẩn đoán và có thể gây huy hiểm đến tính mạng.
Nang sán có trong thịt bò nấu không chín kỹ, khi vào ruột sẽ phóng thích cho ra ấu trùng sán, có thể thâm nhập qua thành ruột và đi khắp cơ thể, gây nên bệnh sán ở mô.
TS.BS Nguyễn Thu Hương (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), ăn thịt chưa nấu chín như món lạp xường, nem chạo, nem chua ủ bằng thịt tái… có nguy cơ cao gây nhiễm ấu trùng giun xoắn . Một giun xoắn cái có thể đẻ từ 500 - 1.000 ấu trùng trong thời gian khoảng 4 - 6 tuần. Ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tiết canh
Trong năm 2015, nước ta ghi nhận 96 ca mắc liên cầu khuẩn, trong đó 13 người tử vong; tăng 51 ca và tăng 5 người tử vong so với năm 2014.
BS Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết thói quen ăn tiết canh lợn của người dân tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ sán, tiêu chảy, tả lị đến các bệnh truyền nhiễm từ lợn, đặc biệt là bệnh liên cầu khuẩn
Trứng và ấu trùng sán dây trong cơ thể lợn thường giống như hạt gạo. Nó thường khu trú ở trong các bắp thịt lợn (thịt nạc vai nhiều nhất), cả cơ mí mắt, óc, đặc biệt các hạt gạo tập trung chủ yếu phần nhiều gân và mỡ của lợn. Những phần trên cũng thường được dùng để chế biến tiết canh.
No comments:
Post a Comment